“Điều gì khiến em đặt câu hỏi như vậy?”
Ngày 11/3/2023, tọa đàm tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên khóa I, ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững được tổ chức tại phòng 803, Cơ sở Mỹ Đình. Trong buổi tọa đàm, Nguyễn Mai Chi (là sinh viên năm nhất, vừa học hết học kỳ đầu tiên của khóa học) đã đặt một số câu hỏi thu hút được sự quan tâm của bạn bè, thầy cô và các khách mời. Những câu hỏi của Mai Chi được mọi người tham dự nhận xét rằng là “câu hỏi hay và khó”, “nhiều diễn giả muốn được trả lời”. Điều gì đã giúp Mai Chi đặt ra các câu hỏi như vậy? Chia sẻ của Mai Chi dưới đây xin được giới thiệu với các bạn sinh viên để cùng tham khảo.
Dưới đây là toàn văn thư của Nguyễn Mai Chi
Gửi thầy Đinh Việt Hải,
Em là Nguyễn Mai Chi, sinh viên lớp QH22.ĐT, Khoa các Khoa học Liên ngành, ĐHQGHN.
Em và thầy gặp nhau sáng thứ 7 (11/03/2023) tại Tọa đàm Tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên Đô thị, nơi em đưa ra hai câu hỏi về hướng tiếp cận của ngành và đã thu hút hiệu quả tương đối tốt từ phía khán phòng. Cuối giờ, thầy có đặt câu hỏi cho em: “Điều gì khiến em đặt được câu hỏi như vậy?”. Em viết bức thư này xin phép trả lời cho câu hỏi trên của thầy. Em đã định khiến bức thư này thật hay ho đấy, cơ mà trái gió trở trời em ốm mất rồi. Nên chắc em sẽ viết gạch đầu dòng ý cho ngắn gọn, súc tích, đi vào trọng tâm thầy à.
TÓM TẮT SỰ KIỆN
- Bối cảnh: câu hỏi cuối cùng được đưa ra trong tọa đàm, được hỏi tầm 11h trong khi đó lại là thời gian dự kiến kết thúc tọa đàm
- Câu hỏi (em không nhớ nguyên văn nên tóm tắt lại ý thôi ạ)
- “Thông minh và bền vững” là xu hướng xây dựng thế giới nhưng tại sao Việt Nam lại cần đi theo xu hướng ấy? Xuất phát từ bối cảnh, thực trạng nào của Việt Nam mà đưa ra những hướng tiếp cận như vậy?
- Xu hướng “thông minh và bễn vững” được biểu diễn thực tế tại đô thị như thế nào?
- Sự hứng thú của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp với xu hướng “thông minh và bền vững” là như thế nào? Có thực sự có động thái nào được đưa ra không hay chỉ là chủ trương của nhà nước?
- Giá trị mà ngành quản trị đô thị thông minh và bền vững đóng góp cho xã hội trong tương lai là gì?
- Hiệu quả: Được các thầy cô đánh giá là câu hỏi hay và khó. Nhiều diễn giả có mong muốn trả lời
LÀM SAO ĐẶT ĐƯỢC CÂU HỎI NHƯ VẬY?
Đầu tiên, định nghĩa một chút, “câu hỏi như vậy” ở đây sẽ được hiểu là câu hỏi phân tích được các khía cạnh sâu, cốt lõi của chủ đề phân tích. Các câu hỏi mang tính chất này thường khó tự nhiên sinh ra mà phải có khả năng tư duy nhất định để nghĩ ra được câu hỏi đó.
Ví dụ: Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” có thể có câu hỏi cốt lõi như: Làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa chính sách nhà nước và thực tế cuộc sống người dân? Để tự đưa ra câu hỏi này, yêu cầu người hỏi phải thấu hiểu tác phẩm đến một mức độ nhất định.
Căn bản chúng ta sẽ chẳng biết đặt câu hỏi gì nếu chúng ta không có bất cứ một thông tin gì về chủ đề. Nghe có vẻ vô lí nhỉ, nếu biết thông tin gì rồi thì việc gì phải đặt câu hỏi. Nhưng thông tin đã biết ở đây nên được hiểu là công cụ hỗ trợ việc khai phá những điều mới.
Ví dụ: Khi bạn giải một bài tập vận dụng cao toán, đó sẽ là rất khó để bạn tìm được hướng giải ngay từ đầu. Nhưng bạn có thể bám vào các loại dữ kiện đã từng gặp, xem bình thường em xử lí loại dữ kiện đấy như thế nào, có các cách phân tích ra sao. Từ đó, dần dần, bài toán mới tinh sẽ được giải.
Cũng tương tự như vậy, nếu chúng ta có các công cụ (ở đây là cách tư duy) làm nền tảng, thì các bạn có thể đặt các câu hỏi nhìn trúng vấn đề. Em xin phép giới thiệu các công cụ em đã sử dụng để đặt câu hỏi trong tọa đàm Đô thị trên.
MỘT: Dựa vào những câu trả lời trước đó trong tọa đàm
Cơ chế hoạt động của cách này là bắt từ khóa từ câu trả lời của diễn giả. Từ đó, liên kết từ khóa đó với các bộ câu hỏi, thường là 5W-1H (What, When, Where, When, What for, How).
HAI: Dựa vào nguyên tắc chung của đời sống
Nguyên tắc chung ở đây hiểu là các quy luật khách quan của thế giới, ví dụ: có cầu thì mới có cung, giải pháp được đưa ra để xử lí vấn đề,..
BA: Dựa vào cấu trúc một lập luận
Một lập luận được đại diện bởi 3 tính chất: tính đúng đắn, tính quan trọng và tính liên quan. Các bạn cần tìm lỗ hổng trong 3 tính chất này để đưa ra câu hỏi. Ví dụ: Bố mẹ giao cho bạn làm việc nhà. Bạn hỏi bố mẹ: “Tại sao con phải làm?”. Dù bạn có lập luận đúng tới đâu nhưng bố mẹ không quan tâm (lập luận của bạn không quan trọng với bố mẹ) thì bạn vẫn sẽ phải làm việc nhà.
BỐN: Khái quát hóa và đặc điểm hóa
Khái quát hóa tức là quy nó về các nguyên tắc: cứ gặp những đặc điểm A thì tôi sẽ tự động xử lí nó với các bước B. Ví dụ: Giới thiệu các công cụ trong bức thư này chính là khái quát lại từ thực tế bản thân
Đặc điểm hóa tức là trong một bối cảnh chung, con người vẫn cần dựa vào những đặc điểm riêng của đối tượng để ra quyết định. Ví dụ: Nói chuyện với bạn bè sẽ có phong cách khác với nói chuyện với thầy cô. Vì đặc điểm của bạn bè và thầy cô là khác nhau.
Vậy thì em đã áp dụng bốn công cụ trên vào việc đặt câu hỏi như thế nào?
Có một diễn giả trong tọa đàm nói rằng: “Quản trị đô thị là nhu cầu; thông minh và bền vững là xu hướng”. Các từ khóa ở đây là gì: Quản trị đô thị, nhu cầu, thông minh và bền vững, xu hướng
Áp dụng công cụ 1 có thể có các câu hỏi gì?
- What: Quản trị đô thị là gì? Thông minh và bền vững là gì?
- How: Quản trị đô thị như thế nào? Thực hiện thông minh và bền vững như thế nào?
- ….
Áp dụng công cụ 2 có thể có các câu hỏi gì?
- Các giải pháp chỉ sinh ra khi có vấn đề: Thực trạng nhu cầu quản trị đô thị hiện tại là gì?
- Có cầu thì mới có cung: Nếu hiện tại quản trị đô thị là nhu cầu thì thực trạng đào tạo nhân sự quản trị đô thị thông minh và bền vững đang như thế nào?
Công cụ ba và bốn sẽ được sử dụng để “nâng tầm” câu hỏi, khiến câu hỏi sát hơn với các vấn đề cốt lõi.
Ví dụ 1: “Thông minh và bền vững là gì”
Đây là một câu hỏi mang tính nhận biết, nhằm mục tiêu biết 2 cái xu hướng này là cái gì đã. Bạn có thể gắn nó với công cụ đặc điểm hóa.
Tại sao xu hướng này lại quan trọng với đô thị Việt Nam? Đây là xu hướng thế giới nhưng tại sao Việt Nam lại phải theo đuổi? hoặc là Việt Nam có các đặc điểm gì mà lại theo đuổi xu hướng này? (Ở đây, câu hỏi này khai thác được vấn đề: đô thị Việt Nam có các đặc điểm riêng)
Ví dụ 2: “Nếu hiện tại quản trị đô thị là nhu cầu thì thực trạng đào tạo nhân sự quản trị đô thị thông minh và bền vững đang như thế nào?”
Câu hỏi này sẽ cốt lõi hơn khi người hỏi chỉ ra được tính quan trọng của vấn đề.
Tại sao chúng ta đang học ở đây rồi lại cần quan tâm nhân sự QTĐTTMBV được đào tạo như thế nào? Vì với tư cách người lao động tương lai, sinh viên Đô thị sẽ quan tâm đếm thực trạng cạnh tranh của nguồn nhân lực đang diễn ra như thế nào để biết bản thân đang ở đâu trong xã hội.
NĂM: Dựa vào trải nghiệm người hỏi
Cuối cùng, có một công cụ nữa em không sử dụng trong trường hợp của tọa đàm, đó là dựa vào trải nghiệm của ngưởi hỏi. Nếu người hỏi trải nghiệm vấn đề rồi, họ sẽ biết nó có những vấn đề nhỏ gì và băn khoăn cách xử lí vấn đề đó
Ví dụ: Các bạn học quản trị học. Vì chúng em có trải nghiệm làm việc nhóm rồi nên chúng em sẽ có thể có các thắc mắc “Xử lí như thế nào nếu đồng đội không làm việc? Làm gì để truyền động lực cho thành viên?”…
LƯU Ý
Ở đây, chúng ta có một số lưu ý. Nếu các bạn có nhớ thì đầu bài em có định nghĩa “câu hỏi như vậy” là câu hỏi đánh vào cốt lõi. Sở dĩ em phải định nghĩa như vậy vì một câu hỏi không đánh vào cốt lõi vẫn có thể là câu hỏi hay, em muốn giới hạn lại để đỡ phải viết dài thôi.
Ví dụ: thầy Hải hỏi em “Điều gì khiến em đặt được câu hỏi như vậy?”. Câu hỏi này có thể một số người đánh giá là nhỏ, tiểu tiết , hỏi lặt vặt nhưng cá nhân em đánh giá nó hay. Vì trả lời câu hỏi này đồng nghĩa với việc khai thác xem em đã tư duy như thế nào, từ đó người đọc có thể áp dụng tương tự để có thể làm điều tương tự.
Em không muốn viết dài nữa nên sẽ gắn link một bài viết tham khảo để mọi người có thể tìm hiểu thêm về cách hỏi này (bài viết tham khảo mời xem ở cuối thư)
Một lưu ý nữa, làm sao để em biết có thể gắn vấn đề với tính chất nào của công cụ ba và bốn. Hừm, cái này thì dựa vào kinh nghiệm bản thân thôi, cứ tư duy nhiều rồi sẽ quen 😊
Viết đến cuối rồi thì em cũng cảm ơn thầy đã giao em viết một chủ đề thế này, để em có cơ hội tự khái quát và nhìn nhận lại cách suy nghĩ của bản thân. Đây là quan điểm cá nhân của em, có thể đúng với người này, không đúng với người kia. Nhưng em hi vọng bức thư này là một nguồn tham khảo có thể giúp ích cho nhiều người.
Xin hết ạ!!!
Người gửi
Nguyễn Mai Chi
Và điều đặc biệt là Mai Chi đã tự chép lại thư này ngày hôm qua bởi ban đầu, chúng tôi muốn dùng 1 bản viết tay để chia sẻ với mọi người. Bản viết tay của Mai Chi trong file đính kèm dưới đây.
Cuối cùng là bài tham khảo mà Mai Chi nhắc đến trong thư của mình:
3 level học hỏi chủ động từ người mình ngưỡng mộ (tạm gọi là idol)
Level 1: Học Nguồn thông tin
Thay vì chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ những bài học họ chia sẻ, bạn tìm hiểu xem họ tiêu thụ cái gì để tư duy được như thế.
Những hành động như xin gợi ý các đầu sách, podcast, newsletter mà idol tiêu thụ rồi tuân thủ học theo, đều thuộc về mức độ 1 – Học từ nguồn. Rất đáng khen và đáng khuyến khích, vì đây là bước đầu tiên và dễ thực hiện nhất trong hành trình học tập chủ động.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức độ 1 thì bạn cũng khó để đạt đến level của idol. Cùng 1 cuốn sách đấy, nhưng họ lại đọc khác mình, ghi chú khác mình, nhớ khác mình, và áp dụng khác mình.
Vậy nên, tìm ra nguồn tri thức của idol chưa đủ, phải tìm ra cách họ tương tác với nguồn. Và đây là mức độ 2.
Level 2: Học Thói quen và Hệ thống
Những học sinh hỏi: “Anh đọc sách gì?” đang học ở mức độ 1.
Những học sinh hỏi: “Anh đọc như thế nào? Vào những lúc nào? Có ghi chú lúc đọc không? Xử lý ghi chú vào lúc nào?…” đang học ở mức độ 2.
Những câu hỏi này thường bị chê vì “Chi tiết quá. Hỏi lớn hơn đi!” Nếu bạn muốn làm người khác ấn tượng vì khả năng hỏi những câu hỏi lớn của mình thì ok, đừng hỏi về thói quen và hệ thống.
Còn nếu bạn thực sự muốn hiểu những đánh đổi cần có của 1 ai đó, để đạt được những thứ họ đang có, thì bạn phải hỏi những câu hỏi trên – những câu hỏi giúp bạn hiểu được hệ thống và thói quen của 1 người.
Hãy nhớ là: 1 người không khỏe vì 1 ngày đầu năm, họ quyết định sẽ ăn uống khỏe mạnh và mua thẻ tập gym. 1 người khỏe vì họ xây dựng được 1 thói quen tập luyện và ăn uống khỏe mạnh mỗi ngày.
Kết quả được tạo ra bởi thói quen và hệ thống, chứ không phải 1 triết lý nghe thì hay mà chẳng biết áp dụng như thế nào.
Level 3: Học Nguyên tắc
“Nguyên tắc” ở đây nên được hiểu là nền tảng của hệ thống tư duy và hành động. Giống như chế độ lái tự động, nếu A xảy ra, tôi sẽ tự động làm B, không cần giải thích, không thỏa hiệp.
Ví dụ sau đây là 1 vài nguyên tắc của mình với việc đọc sách:
– Nếu 1 cuốn sách khiến mình ngại việc đọc hơn 1 tuần, phải dừng lại, không cần biết bao nhiêu người khen nó.
– Nếu đã bắt đầu đọc 1 cuốn sách, thì phải nghiêm túc với việc ghi chú, không cần biết sẽ mất bao lâu để vừa đọc, vừa take notes, và xử lý notes.
Mình tin là, mọi nguyên tắc của những người thực sự giỏi đều đến từ đúc kết của rất nhiều trải nghiệm cá nhân (và thỉnh thoảng có cả nghiên cứu khoa học nữa).
Vậy nên, nguyên tắc tiết lộ hệ giá trị, hệ tư tưởng, và nếu bạn giỏi “đào” thêm 1 tí nữa, bạn sẽ tìm ra lý do chúng tồn tại trong idol của mình. Khi nắm chắc nguyên tắc, bạn có thể áp dụng chúng vào nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, chứ không chỉ dừng lại ở sao chép 1, 2 hành vi hay thói quen nữa.
Tóm lại là:
Nếu bạn đang ngưỡng mộ 1 kỹ năng, lối sống, hay tư duy của 1 ai đó, mình mong bạn có thể chủ động tìm hiểu sâu hơn những gì họ thể hiện và chia sẻ trên bề nổi.
Hãy tìm về nguồn thông tin họ tiêu thụ.
Hãy áp dụng những thói quen và hệ thống của họ.
Và hãy sống thử với những nguyên tắc họ có.
Thử thôi vì nếu thấy không hợp, thì bạn nên tự đi tìm nguyên tắc của mình. Thực ra, còn 1 level nữa.
Level 4 là phản biện idol và tự xây dựng nguyên tắc của mình.
(tác giả: Akwaaba, Tùng)