CẢNH BÁO CÁC HÌNH THỨC LỪA ĐẢO PHỔ BIẾN HIỆN NAY!!!
Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phát đi thông tin cảnh báo về việc một số đối tượng giả mạo con dấu và chữ ký lãnh đạo các Bộ, các Nhà trường để dẫn dụ, lôi kéo học sinh/sinh viên tham gia các cuộc thi/học bổng nhằm thu thập thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là thông báo tổ chức các cuộc thi với cơ cấu giải thưởng lớn, học bổng toàn phần của các trường đại học danh tiếng nước ngoài; 80% học phí các khóa học IELTS, TOEIC, Tiếng Anh giao tiếp; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo… Để tăng độ tin cậy, các đối tượng còn dẫn tên các cơ quan thông tấn, báo chí uy tín đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Các đối tượng lập ra các website, Facebook, giấy tờ kèm con dấu giả mạo để điều hướng học sinh/sinh viên, phụ huynh truy cập, gọi điện đến số điện thoại di động, điện thoại cố định để được tư vấn, hỗ trợ, sau đó yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (tên, ngày sinh, số thẻ căn cước, email, điện thoại, tài khoản ngân hàng…), đồng thời dẫn dụ, lôi kéo họ đăng ký tham gia cuộc thi/học bổng, nộp tiền “đặt cọc” để ôn luyện/đăng ký. Từ đó, các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân của nạn nhân.
Bên cạnh đó còn rất nhiều hình thức lừa đảo đã và đang sinh ra nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản theo hình ảnh minh họa của Cục An toàn thông tin cung cấp dưới đây:

Dự báo trong thời gian tới, hoạt động lừa đảo vẫn sẽ tiếp diễn, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, Bộ Công an và Nhà trường khuyến cáo:
- Các bậc phụ huynh, học viên/sinh viên cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin từ các cuộc thi, chương trình học bổng, sự kiện vì thông tin về các chương trình học bổng hay chương trình giao lưu trao đổi sinh viên, trao đổi học thuật… hiện được các Nhà trường công khai rõ ràng trên website và triển khai đến từng Khoa, lớp khóa học chứ không gửi cho từng sinh viên. Nếu không nộp hồ sơ ở đâu thì chắc chắn sẽ không có học bổng. Những khoản chi trả hậu hĩnh thì không đến từ những hoạt động bình thường mà rất có thể là những chiêu trò để dụ dỗ. Khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, học viên/sinh viên cần kiểm tra và xác nhận thông tin từ những nguồn đáng tin cậy theo các kênh thông tin chính thống của Trường hoặc trực tiếp trình báo với công an.
- Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết rõ về họ. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Toà án nếu làm việc với người dân sẽ có GIẤY MỜI, GIẤY TRIỆU TẬP gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.
- Không cung cấp mã OTP dùng để giao dịch tài khoản ngân hàng cho người khác; không đăng nhập vào đường link lạ; hạn chế việc công khai thông tin ngày sinh, số CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Các tài khoản công khai dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn.
- Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như: Facebook, zalo… kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản.
- Không mua, bán, cho mượn giấy CMND, CCCD, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát. Không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Không tham gia việc vay tiền qua APP.
- Không kết bạn, làm quen với đối tượng lạ, đối tượng nước ngoài. Cảnh giác khi đối tượng thông báo gửi quà hoặc vật phẩm; không chuyển bất cứ khoản tiền chi phí nào để nhận quà tặng.
- Cảnh giác, thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng.
- Mọi người cần cảnh giác trước những số điện thoại lạ, tài khoản mạng xã hội có thông tin không rõ ràng; cần tỉnh táo để nhận ra những tình tiết đáng ngờ. Nếu chúng ta không làm gì sai thì sẽ không có hành vi phạm pháp. Mặt khác, sinh viên cũng nên thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài để nhận biết, phòng tránh những chiêu trò lừa đảo.

Việc tăng cường công tác phòng, chống lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để đảm bảo an ninh và an toàn thông tin. Chúng ta cần nhận thức rõ về các mối đe dọa và tìm hiểu cách phòng tránh để bảo vệ tài sản của chúng ta.